Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục Đà Nẵng cần hướng tới tầm khu vực và thế giới
Sáng 14/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về phát triển giáo dục và đào tạo. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tham dự buổi làm việc.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về phát triển giáo dục và đào tạo
Còn thiếu những mô hình đột phá
Đà Nẵng là một trong những địa phương có tiềm năng lớn để phát triển giáo dục đào tạo, trên thực tế giáo dục Đà Nẵng phát triển khá toàn diện ở tất cả các bậc học. Trong đó, thế mạnh về xã hội hóa giáo dục đã được phát huy để tạo nên một diện mạo giáo dục, đào tạo khác biệt so với các địa phương trong cả nước. Với gần 65% cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, Đà Nẵng vượt xa tỷ lệ trung bình của cả nước là 15%. Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong triển khai xây dựng trung tâm chăm sóc giáo dục trẻ mầm non theo tiêu chuẩn quốc tế tại khu chế xuất, khu công nghiệp.
Việc mạnh dạn áp dụng những mô hình mới, tiên phong trong giáo dục phổ thông như thành lập các câu lạc bộ thể thao có quy mô, thực hiện hiệu quả chương trình sữa học đường nhằm tăng cường thể chất cho học sinh hay mô hình về khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường và xã hội (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức…)… đã cho thấy cách nghĩ và cách làm mới của Đà Nẵng trong phát triển giáo dục và đào tạo.
Đà Nẵng hiện đứng thứ 3 cả nước về số lượng các trường đại học. Cùng với việc mở rộng quy mô đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, thời gian qua các cơ sở giáo dục đại học cũng tập trung đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, thúc đẩy hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, gắn các chương trình đào tạo với việc bảo đảm chất lượng đào tạo, phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực của cơ sở đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực của bộ, ngành và địa phương.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, giáo dục Đà Nẵng còn thiếu những mô hình đột phá
Tuy nhiên, trao đổi tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, so với tiềm năng thế mạnh hiện có của thành phố, giáo dục đào tạo Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn, cơ sở vật chất trang thiết bị còn hạn chế, chưa có thành tựu lớn về thi quốc gia, quốc tế, chưa có những mô hình đột phá về giáo dục cũng như các trường mang tầm quốc tế.
“Địa phương chỉ được coi là phát triển khi giáo dục địa phương đó phát triển. Đà Nẵng luôn xếp thứ hạng cao về chỉ số năng lực cạnh tranh, về cải cách hành chính, về ứng dụng công nghệ thông tin nhưng chưa có thứ hạng cao về giáo dục đào tạo, đó là điều phải suy ngẫm và thành phố sẽ quyết tâm để thay đổi điều này” - Ông Nguyễn Xuân Anh nêu rõ.
Hiện nay, một trong những mối quan tâm hàng đầu của giáo dục Đà Nẵng là hoàn thành việc xây dựng đầu tư khu đô thị đại học Đà Nẵng, một dự án đã khởi động cách đây gần 20 năm nhưng đến nay quá trình giải phóng mặt bằng đang hết sức khó khăn do phần diện tích thuộc tỉnh Quảng Nam trong quy hoạch hiện nay mật độ dân cư rất cao, áp lực kinh phí đền bù giải phòng mặt bằng thực sự là một gánh nặng.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua giáo dục Đà Nẵng đã có những tiến bộ, tuy nhiên để đủ khả năng trở thành một trung tâm giáo dục lớn, Đà Nẵng cần có sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc định hướng quy hoạch tổng thể, chọn lựa phương thức phát triển, cách thức dầu tư. Trong đó trọng tâm hiện nay là có được nguồn vốn và cơ chế để hoàn thành giải phỏng mặt bằng khu đô thị đại học Đà Nẵng để sớm thực hiện các bước tiếp theo thu hút đầu tư.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho hay, Đà Nẵng quyết tâm để dự án khu đô thị đại học Đà Nẵng sẽ có chuyển biến trong thời gian tới đây nhưng một mình Đà Nẵng không làm được mà cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Quảng Nam.
Cần sự liên kết để giáo dục đại học Đà Nẵng phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh đánh giá cao những kết quả mà giáo dục Đà Nẵng đã làm được trong thời gian qua, trong đó có một số chủ trương cần được ghi nhận và nhân rộng trong cả nước như xã hội hóa giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy; tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; quan tâm tới nhu cầu được vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống của học sinh thông qua nhiều hoạt động thiết thực.
Bộ trưởng cũng ghi nhận sự chủ động của các trường đại học trong và ngoài công lập của Đà Nẵng trong việc tăng cường kiểm định chất lượng. Đến nay, nhiều trường, ngành đào tạo không chỉ đạt chuẩn chất lượng cấp quốc gia mà còn nâng tầm đạt chuẩn quốc tế. Tiêu biểu như Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng mới đây đã tham gia kiểm định độc lập bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học quốc tế và được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chuẩn Châu Âu. Hay Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng là một trong những trường đầu tiên được đánh giá ngoài và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học cấp quốc gia.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giáo dục Đà Nẵng cần phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh sẵn có
Để giáo dục Đà Nẵng phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục tập trung rà soát, quy hoạch mạng lưới giáo dục đào tạo theo tuyến, tạo thành chuỗi trường học ở vùng ngoại ô, có xe đưa đón học sinh, tránh xây dựng trường học ở trung tâm thành phố, gây sức ép lên đô thị.
Đối với giáo dục đại học, theo Bộ trưởng, quá trình quy hoạch cần theo hướng tập trung tạo thành khu đô thị đại học, tránh tình trạng quy hoạch đầu tư phân tán, chú trọng quy hoạch phát triển theo ngành nghề, tập trung vào những ngành địa phương và vùng đang cần nhân lực, tránh đầu tư vào những ngành đang dư thừa nhân lực dẫn tới lãng phí.
“Mô hình đô thị đại học sẽ giúp tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phối hợp nghiên cứu thuận lợi. Để triển khai được mô hình đô thị đại học cần có sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng trường lớp, trang thiết bị, khu nhà ở cho giảng viên, các trường đăng ký thuê, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn từ các dịch vụ phụ trợ. Tôi đã khảo sát ở một số quốc gia và thấy rằng, đây là mô hình rất hiệu quả” - Bộ trưởng cho hay.
Về ngành nghề đào tạo, Bộ trưởng lưu ý, thời gian qua, các trường đại học đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn thiếu sự gắn kết với khoa học công nghệ, với thị trường và doanh nghiệp, vì vậy, ngành nghề đào tạo vẫn chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động thực tế của địa phương và của vùng. Từ đó, Bộ trưởng gợi ý, Đà Nẵng nên tập trung vào đào tạo một số ngành nghề như: du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ vui chơi giải trí… và nên theo hướng liên kết đào tạo với các trường quốc tế.
Trao đổi về dự án khu đô thị đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng cho biết, với vai trò của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ dự án và sẽ cùng địa phương bàn bạc để báo cáo Thủ tướng tìm ra cơ chế nhằm gỡ khó cho dự án. Bởi hiện nay, nếu trông chờ vào nguồn vốn của nhà nước là rất khó khăn, vì vậy cần đẩy mạnh thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt từ xã hội hóa cho dự án này.
“Đà Nẵng hiện có 10 trường đại học, mỗi trường có một sứ mạng riêng, tạo ra một môi trường chung đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối để các trường phát triển là chủ trương đúng và cần thiết. Chủ trương đã có rồi nhưng cơ chế thế nào mới là vấn đề quan trọng. Nếu Chính phủ cũng như các bộ, ngành không tạo cơ chế thực sự sẽ rất khó” - Bộ trưởng chỉ ra.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng tiếp tục tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho đổi mới giáo dục phổ thông trên cơ sở phát huy vai trò của trường đại học sư phạm. Đồng thời mạnh dạn đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo giáo viên có chất lượng để không chỉ đào tạo lại giáo viên cho thành phố mà còn cho toàn vùng.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được Chính phủ giao xây dựng Nghị định về quản lý các trường phổ thông theo hướng giao quyền tự chủ linh hoạt cho các nhà trường, trong đó có nội hàm tăng quyền tự chủ về kế hoạch nhà trường, nhân sự, chi tiêu. Với thế mạnh về xã hội hóa giáo dục, Bộ trưởng tin tưởng rằng, thành phố Đà Nẵng sẽ đi đầu trong việc tạo điều kiện thuận lợi để các trường công lập có thể dần tự chủ được nguồn lực.
Theo Bộ trưởng, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế,vì thế, thành phố cần phải tạo thêm nhiều cơ hội hơn nữa cho các trường quốc tế được vào đầu tư hoặc liên kết đào tạo, cũng là tạo cơ hội để con em thành phố được tiếp cận với môi trường học tập tốt nhất.
“Giáo dục Đà Nẵng phát triển mạnh không chỉ cho địa phương mà còn kéo theo sự phát triển cho cả vùng và với tiềm năng thế mạnh sẵn có, giáo dục Đà Nẵng cần tạo ra được những bước đột phá hướng tới sự phát triển mang tầm khu vực và toàn cầu” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tin từ Đại học Đà Nẵng
|